Tư vấn về điều hòa
1Không vào phòng lạnh ngay khi đi nắng về
Vào những ngày nắng nóng oi bức hoặc khi luyện tập thể thao, nhiệt độ cơ thể lúc này đang quen dần với nhiệt độ môi trường và các mạch máu giãn ra.
Nếu bạn bước vào phòng lạnh quá nhanh, cơ thể chưa kịp thích nghi được sẽ dẫn đến tình trạng cảm lạnh, các mạch máu bị co lại đột ngột làm tăng nguy cơ bị đột quỵ. Nó cũng tương tự như bạn đột ngột từ phòng lạnh bước ra ngoài vậy.
Cách tốt nhất là bạn nên tắt điều hoà khoảng 20 - 30 phút trước khi bước ra khỏi nhà, mở hé cửa để cơ thể thích nghi với môi trường bên ngoài. Nếu bạn từ ngoài vào, hãy ngồi nghỉ một lát để nhiệt độ cơ thể trở về bình thường trước khi vô phòng lạnh.
2Nhiệt độ trong phòng không được quá chênh lệch với nhiệt độ bên ngoài
Hầu hết, người dùng luôn bật điều hoà ở nhiệt độ thấp để mang lại cảm giác mát lạnh nhanh chóng. Tuy nhiên, điều này sẽ khiến cơ thể dễ bị sốc nhiệt nếu nhiệt độ bên ngoài chênh lệch quá nhiều so với trong phòng.
Theo các chuyên gia, nhiệt độ trong phòng chỉ nên chênh lệch 7 độ C so với ngoài trời. Ví dụ, nhiệt độ bên ngoài đang là 35 độ C thì bạn hãy điều chỉnh điều hòa ở mức 28 độ C là hợp lý.
Bạn cũng có thể kết hợp thêm với các thiết bị làm mát khác như quạt điện, quạt hơi nước… để xua tan cái nóng thay vì giảm nhiệt độ xuống thấp.
3Không ở trong phòng điều hòa liên tục
Việc bạn ở trong phòng lạnh liên tục trong nhiều giờ sẽ làm cơ thể dễ bị nhiễm các bệnh về đường hô hấp như cảm lạnh, viêm họng,… hoặc các bệnh về da nếu không vệ sinh máy định kỳ.
Bạn chỉ nên ở trong phòng lạnh từ 4 – 5 tiếng trở lên (trừ khi ngủ), nếu ở quá lâu bạn sẽ vô tình làm cơ thể mình trở nên yếu đi.
Hơn nữa, nếu để cơ thể quá quen với điều kiện nhiệt độ mát lạnh trong phòng thì khi bước ra bên ngoài, bạn sẽ khó thích nghi hơn với thời tiết nắng nóng.
4Lắp đặt điều hòa đúng vị trí
Nhiều người thường có xu hướng lắp đặt điều hoà rọi thẳng vào cơ thể, hoặc nơi sinh hoạt của gia đình để có thể làm mát được nhiều. Tuy nhiên, việc làm này là hoàn toàn sai lầm.
Khi luồng không khí lạnh thổi trực tiếp vào người, điều này sẽ giúp mát nhanh hơn. Nhưng nếu ngồi lâu sẽ giảm sự thích nghi với nhiệt độ ngoài trời, dẫn tới sốc nhiệt khi bước ra khỏi phòng.
Đặc biệt, nó còn làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh đường hô hấp như viêm mũi, viêm họng, viêm phế quản… nhất là ở người già và trẻ nhỏ.
5Lưu ý khi có trẻ con, người già với tiền sử bệnh đột quỵ
Đối với người già: Bạn cần chỉnh nhiệt độ điều hoà không được quá thấp. Nếu người già đang mắc bệnh nặng thì phải để nhiệt độ vừa phải. Khi bạn muốn đưa họ sang phòng khác, cần tắt điều hòa trước để nhiệt độ ấm lên.
Đối với trẻ nhỏ: Bạn cần điều chỉnh nhiệt độ hợp lý để đảm bảo sức khỏe của trẻ. Nếu muốn không khí được mát hơn, bạn có thể dùng thêm quạt mát thay vì nhiệt độ quá thấp.
Nguồn: Báo Dân Trí