Tư vấn về điều hòa
Vào những ngày nắng nóng, nhiều người đã bật điều hòa ở mức 22, 23 độ C, thậm chí dưới 20 độ C. Theo EVN, việc sử dụng điều hòa như vậy vừa tốn điện, vừa gây hại cho sức khỏe, nếu dùng điều hòa nên đặt ở mức 26 độ C trở lên.
Tình trạng nắng nóng gay gắt, kéo dài dẫn đến nhu cầu sử dụng điện tăng cao đột biến, chủ yếu do việc sử dụng điều hòa nhiệt độ và các thiết bị làm mát tăng rất cao dẫn đến nguy cơ đầy tải và quá tải lưới điện cục bộ ở một số khu vực, gây mất an toàn ổn định vận hành hệ thống điện. Đặc biệt, khi sử dụng điều hòa nhiệt độ cần lưu ý để ở chế độ tối ưu, chỉ nên đặt ở mức 26 độ C trở lên, để vừa đảm bảo tiết kiệm điện cho khách hàng, vừa giảm thiểu nguy cơ quá tải cục bộ của lưới điện, đồng thời cũng hạn chế tình trạng hóa đơn tiền điện tăng đột biến.
Thực tế, nhiều người bị cảm lạnh do sốc nhiệt vì vừa ở ngoài nắng nóng đến 40 độ C, bước vào phòng có điều hòa ở nhiệt độ dưới 20 độ C hoặc ngược lại. Cho nên, khi để nhiệt độ chênh lệch quá nhiều so với nhiệt độ của môi trường ngoài, người dùng sẽ rất dễ bị sốc nhiệt, cảm lạnh. Nhiệt độ chỉ nên chênh lệch khoảng 7 độ. Chẳng hạn, ngoài trời đang 32 độ C thì bạn chỉ nên để nhiệt độ khoảng 25 độ C.
Nhiều chuyên gia lưu ý, khi sử dụng điều hòa, không cài đặt nhiệt độ trong nhà quá thấp vì vừa lãng phí vừa dễ mắc các bệnh về đường hô hấp như: cảm cúm, ho, cảm lạnh.... Nên để điều hòa ở 27 hoặc 28, thậm chí 29 độ C vào ban đêm, sử dụng kèm với quạt sẽ rất tiết kiệm điện. Một chi tiết quan trọng nữa là khi tắt máy điều hoà thì phải tắt nguồn (tắt aptômat). Vì nếu chỉ tắt bằng điều khiển từ xa thì máy vẫn tiêu tốn điện. Nếu sợ môi trường điều hòa khô, bạn có thể làm tăng độ ẩm cho phòng bằng quạt hơi nước là tốt nhất. Nếu không chỉ cần đặt một chậu nước trong phòng, phơi một khăn ướt thấm nước cũng là đủ.
Nguồn: laodong.com.vn