Tư vấn về điều hòa
Mặc dù đã bật điều hòa ở mức 22 độ trong nhiều giờ, nhưng nhiệt độ trong phòng vẫn ở mức trên 33 độ và người đẫm mồ hôi.
Mấy ngày qua, nhiệt độ ở một số khu vực miền Bắc và miền Trung tăng vọt đã khiến cuộc sống người dân đảo lộn. Tại Hà Nội, vào thời điểm nắng nóng đỉnh điểm, nhiệt độ cao nhất lên tới hơn 40 độ C. Nhiệt độ đo được ngoài đường lúc cao điểm lên đến 59 độ C, trong khi nhiệt độ trong phòng vào buổi tối vẫn xấp xỉ 33-35 độ C.
Nhiều gia đình bật điều hòa nhưng vẫn phải chịu cái nóng toát mồ hôi trong phòng
Đa phần giải pháp của người dân ở những khu vực này là hạn chế đi ra ngoài đường vào những giờ cao điểm, và bật điều hòa để “giải nhiệt” trong phòng. Tuy nhiên, chớ trêu thay khi có rất nhiều gia đình đã phải than trời khi gặp tình trạng điều hòa bật lên không hề tỏa khí mát, dù đã để ở mức nhiệt thấp 22 độ C.
Dưới đây là một số nguyên nhân dẫn đến điều hòa không tỏa khí mát và cách khắc phục:
1. Hỏng tụ
Trong trường hợp điều hòa của bạn vẫn hoạt động nhưng lại không mát thì rất có thể điều hòa đã bị hỏng tụ, khiến cho nó chỉ có chức năng giống như một chiếc quạt gió thông thường.
Kiểm tra tụ
Trong trường hợp này, bạn sẽ phải thay tụ mới, giá rơi vào khoảng 250.000 đến 450.000 tùy từng loại.
2. Kiểm tra block điều hòa
Block điều hòa (máy nén) là bộ phận quan trọng nhất của máy điều hòa không khí, một khi block không hoạt động thì sẽ dẫn đến tình trạng máy điều hòa nhà bạn không thể tỏa khí lạnh. Nên kiểm tra định kỳ để block được vận hành hiệu quả, kéo dài tuổi thọ và có thể thay thế ngay khi cần thiết.
Lốc điều hòa được xem như "trái tim" của chiếc điều hòa
3. Bộ lọc khí giàn lạnh, giàn nóng bị bám bẩn
Bộ lọc khí của điều hòa giống như chiếc lồng quạt điện, sau một thời gian dài sử dụng nó sẽ bị bám bụi kín giàn lọc khiến cho luồn khí lạnh bị cản trở và không thể làm mát căn phòng của bạn.
Do vậy, bạn cần phải vệ sinh bộ lọc định kỳ (khoảng 6 tháng 1 lần) để loại bỏ bụi bẩn gây tắc nghẽn đường ống, đặc biệt là các lớp màng bám bẩn trên lưới lọc, giúp cho điều hòa được vận hành tốt hơn.
Vệ sinh bộ lọc không khí
Cách vệ sinh: Tháo bộ lọc giàn lạnh ra, thả bộ lọc vào chậu nước và dùng vải mềm cọ nhẹ nhàng (tránh làm mạnh sẽ dẫn đến tấm màng lọc bị xô lệch), sau đó đợi ráo nước và lắp lại. Đối với giàn nóng đặt bên ngoài, bạn dùng chổi quét hết bụi bẩn để máy hoạt động trong điều kiện tốt nhất.
4. Hết gas hoặc gas yếu
Một trong những nguyên nhân khá phổ biến khác chính là tình trạng thiếu hoặc hết gas, khiến cho máy hoạt động yếu ớt và không thể tỏa khí mát. Tuy nhiên, theo các chuyên gia trường hợp này chỉ xảy ra với những điều hòa đã dùng trên 3 năm, hoặc do quá trình lắp ráp và cuốn đường ống bị hở khiến bình gas bị rò rỉ và thất thoát. Còn không thì đây là một hệ thống kín và gas lạnh bên trong máy là loại hóa chất rất bền không bị phân hủy trong điều kiện hoạt động của máy nên không có hiện tượng hao hụt gas.
Gọi thợ uy tín để kiểm tra gas
Lời khuyên: Bạn nên gọi thợ sửa chữa uy tín, hoặc bảo hành chính hãng để kiểm tra hệ thống bình gas, tránh trường hợp bị mất tiền oan.
5. Quá tải điện
Trong những ngày nắng nóng đỉnh điểm, nhu cầu sử dụng điện tăng đột biến khiến cho trung tâm cấp điện bị quá tải, nhiều khu vực bị nhảy atomat đến 10-15 lần trong một đêm. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho điều hòa luôn trong tình trạng bật/tắt liên tục, không kịp làm mát cho căn phòng của bạn thì lại bị tắt. Thậm chí điện yếu còn khiến cho lốc máy làm mát bị nóng và ngừng hoạt động. Thông thường những điều hòa thế hệ cũ hay bị ảnh hưởng, còn điều hoàn thế hệ mới inverter ít gặp phải tình trạng trên.
Lưu ý:
Bạn nên thường xuyên vệ sinh bảng mạnh bên trong điều hòa, tránh mạng nhện, hay côn trùng làm tổ bên trong dễ dẫn đến chập và cháy bảng mạch. Linh kiện này khi hỏng sẽ tốn một khoản tiền xấp xỉ 1 triệu đồng để thay thế. Người dùng cũng cần lưu ý khi vệ sinh bảng mạch bên trong điều hòa cần phải ngắt nguồn điện, tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy đến.
Theo 24h.com